Qua đời Lý phu nhân (Hán Vũ Đế)

Bệnh nặng không gặp

Về năm mất của bà, sử gia ước đoán rằng bà mất khoảng giữa năm Thái Sơ nguyên niên (năm 104 TCN) đến năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN). Sử ký nói là Lý phu nhân mất sớm (蚤卒; tảo tuất)[7], Hán thư nói là trẻ mà mất sớm (少而蚤卒; thiếu nhi tảo tuất)[8], chứng tỏ khi mất Lý phu nhân còn rất trẻ.

Khi Lý phu nhân bị bệnh, Hán Vũ Đế rất quan tâm, thường xuyên tới tận nơi thăm nom. Lý phu nhân dùng chăn che lấy mặt nói: "Thần thiếp bị bệnh đã lâu, dung mạo đã xấu xí, không còn như trước nên không muốn để hoàng thượng nhìn thấy. Tâm nguyện duy nhất của thần thiếp là giao phó người anh và em trai của mình cho hoàng thượng". Hoàng đế nói: "Phu nhân bệnh đã lâu, có thể đây là lần gặp cuối giữa trẫm và nàng". Ý của Vũ Đế là muốn nhìn mặt Lý phu nhân lần cuối, tuy nhiên bà vẫn quyết từ chối, nói: "Thần thiếp chưa trang điểm, không dám gặp hoàng thượng". Ông một lần nữa muốn gặp mặt nhưng Lý phu nhân nhất định không cho. Hán Vũ Đế đành phải thở dài ra về[9].

Sau khi Hán Vũ Đế đi rồi, chị gái của Lý phu nhân lại vội đến khuyên:"Quý nhân sao không nhân cơ hội phó thác anh em trong nhà cho hoàng thượng? Cần gì phải để đức ngài tức giận cơ chứ?". Lý phu nhân trả lời:"Đàn bà là kẻ chỉ hay lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình duyên sẽ phai nhạt. Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc khỏe mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu hơn. Nhìn mặt ta, nhà vua sẽ chán, thì nào đâu còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa"[10].

Lý phu nhân qua đời, Hán thư ghi rằng bà được Hán Vũ Đế dùng lễ Hoàng hậu hạ táng[11]. Tuy nhiên chi tiết này khá mâu thuẫn vì khi này Vệ Tử Phu - đương kim Hoàng hậu của Vũ Đế còn sống và đang tại vị, dùng lễ Hoàng hậu hạ táng khó xảy ra. Tuy việc cử hành lễ tang cho phi tần theo nghi thức Hoàng hậu xảy ra một hai lần thời nhà Tống và nhà Thanh, song sử sách đều ghi nhận có xảy ra tranh cãi giữa các triều thần với Hoàng đế. Thời Hán lễ giáo triều đình khá nghiêm ngặt, sự kiện không hợp lệ này cùng việc triều thần có phản đối hay không đều không được ghi lại. Nếu Vũ Đế thuận lợi hạ táng Lý phu nhân bằng Hoàng hậu lễ như vậy, có thể là sau khi Vệ Hoàng hậu đã băng thệ. Như vậy cũng khó lý giải vì sao sinh thời Vũ Đế không trực tiếp lập Lý phu nhân làm Kế hậu ngay khi Vệ hậu mất. Cho nên, việc tang lễ Lý phu nhân được cử hành theo lễ Hoàng hậu là khó có khả năng.

Truy phong Hoàng hậu

Sau khi Lý phu nhân qua đời, Hán Vũ Đế ra lệnh các hoạ sư vẽ di tượng Lý phu nhân treo ở Cam Tuyền cung.

Một thời gian dài vẫn không quên được bà, Hán Vũ Đế còn làm một bài phú để bày tỏ sự thương xót của mình dành cho Lý phu nhân. Nhớ lời dặn dò của Lý phu nhân, nên sau bà qua đời, anh trai của bà là Lý Diên Niên nhờ tinh thông âm nhạc nên được phong làm "Hiệp luật đô úy" (协律都尉), phụ trách quản lý những người nghệ nhân ca múa trong cả nước. Người anh cả của Lý phu nhân là Lý Quảng Lợi cũng được phong làm Nhị Sư tướng quân. Sau đó, Lý Diên Niên cùng Lý Quý dâm loạn trong cung, nhà họ Lý bị diệt. Lý Quảng Lợi khi ấy đang chinh phạt Đại Uyên, chưa bị tội[12].

Năm Thái Sơ thứ 4 (101 TCN), nhờ có công, Lý Quảng Lợi được phong làm Hải Tây hầu (海西侯). Năm Chinh Hòa thứ 3 (90 TCN), Hán Vũ Đế chất tử Thừa tướng Lưu Khuất Li cùng Lý Quảng Lợi âm mưu lập Lưu Bác làm Thái tử. Sự tình bị phát giác, Lưu Khuất Li bị xử tử, còn Lý Quảng Lợi sang đầu hàng quân Hung Nô, nên nhà họ Lý bị diệt vong.

Sau khi Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng đăng vị, do Trần Hoàng hậu, Vệ Hoàng hậu cùng mẹ đẻ Câu Dặc phu nhân sinh thời đều bị hoạch tội, không xứng hợp táng cùng Hán Vũ Đế, quyền thần Hoắc Quang quyết định truy tặng Lý phu nhân làm Hiếu Vũ Hoàng hậu (孝武皇后)[13], mộ táng của bà gọi Anh lăng (英陵), cách 1 dặm phía Tây Bắc so với mộ táng Mậu lăng (茂陵) của Hán Vũ Đế.